8 nguyên nhân "kỳ lạ" có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mà bạn không ngờ tới

Bệnh tim là thủ phạm giết người số 1 đối với cả nam và nữ ở Mỹ. Hơn 610.000 người Mỹ chết vì bệnh tim mỗi năm, tương đương tỷ lệ cứ 4 người mắc bệnh tim thì có 1 người tử vong. Nếu bạn dù chỉ biết chút ít về sức khoẻ tim mạch thì các yếu tố nguy cơ có lẽ không hề khiến bạn ngạc nhiên. Chúng bao gồm huyết áp cao, hàm lượng cholesterol cao, thói quen hút thuốc lá, thừa cân và lười tập luyện.

Nhưng hóa ra, còn có những yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mà bạn không ngờ tới - nhiều yếu tố thậm chí chẳng mấy rõ ràng.

1. Nếp nhăn trên trán


Nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại hội thảo thường niên năm 2018 của Hiệp hội Tim mạch châu Âu cho thấy, những người có số nếp nhăn sâu trên trán nhiều hơn so với mức trung bình của lứa tuổi đó sẽ tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim.

Tác giả nghiên cứu, Yolande Esquirol, phó giáo sư chuyên khoa sức khoẻ nghề nghiệp tại Trung tâm Bệnh viện Đại học Toulouse (Pháp), cho biết: "Bạn không thể thấy hay cảm nhận các yếu tố nguy cơ như lượng cholesterol cao hay huyết áp cao. Nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng, nếp nhăn trên trán cũng có thể là chỉ dấu bởi chúng rất đơn giản và dễ nhận biết. Chỉ cần nhìn vào khuôn mặt một người, chúng ta có thể đoán biết nguy cơ và đưa ra lời khuyên để giảm nguy cơ đó xuống".

2. Độ cao so với mực nước biển nơi bạn sống


Một nghiên cứu đăng tải tháng 1/2017 trên tạp chí Frontiers in Physiology chỉ ra rằng, những người sống ở độ cao 457-2.297m so với mực nước biển có nguy bị hội chứng trao đổi chất – bao gồm nhóm nguy cơ gây bệnh tim như huyết áp cao, cholesterol cao và béo phì - thấp hơn so với những người sống ở độ cao ngang mực nước biển.

Càng lên cao thì hàm lượng oxy trong không khí càng giảm. Do đó, tim và phổi được rèn luyện và hoạt động hiệu quả hơn. Kết nối khả thi giữa 2 yếu tố này thực sự rất "thú vị" – theo nhận định của bác sĩ Mary Ann Bauman, người phát ngôn chiến dịch "Go Red For Women" thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác nhận sự liên quan.

3. Số con bạn có


Những phụ nữ mang thai nhiều hơn 1 lần có nguy cơ bị rung nhĩ (atrial fibrillation) cao hơn – theo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Circulation. Rung nhĩ là rối loạn dòng điện trong tâm nhĩ có thể dẫn tới cục máu đông, đột quỵ và các biến chứng khác. Trong nghiên cứu này, những phụ nữ từng mang thai 4 hoặc nhiều hơn 4 lần tăng 30-50% nguy cơ bị rung nhĩ so với phụ nữ chưa từng mang thai.

Các tác giả nghiên cứu khẳng định, họ không muốn khuyên chị em phụ nữ từ bỏ việc có con. Và cần thêm nghiên cứu để thực sự hiểu được mối liên hệ trên. Tiến sĩ Bauman bày tỏ: "Chúng tôi biết rừng trong thai kỳ, tim nở lớn hơn, sự thay đổi của hormone cũng xảy ra và hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn. Do đó, có thể những dạng thay đổi này góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh tim".

4. Sinh non


Một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Circulation cũng chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tim và việc sinh nở. Những phụ nữ từng sinh non (trước tuần thai thứ 37) tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch lên 40% so với những người trải qua trọn vẹn thai kỳ. Đối với sản phụ sinh rất sớm - trước 32 tuần – thì nguy cơ này tăng gấp đôi.

Sinh non không phải nguyên nhân gây bệnh tim – theo các tác giả nghiên cứu. Nhưng đó là một yếu tố dự đoán bệnh tim quan trọng. Trên thực tế, nó có thể là công cụ hữu ích để xác định nguy cơ cao mắc bệnh tim ở phụ nữ trẻ sau này.

5. Không ăn sáng


Những người thường xuyên bỏ ăn sáng có xu hướng tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bên cạnh đó, nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao cũng tăng theo – theo thông báo khoa học từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Bauman cho biết: "Có nhiều bằng chứng cho thấy ăn sáng cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Khi bạn bỏ qua bữa ăn quan trọng này, nguy cơ bị tiểu đường, cholesterol cao, tăng cân và béo phì đều tăng".

6. Cơ thể nhiều thừa mỡ


Cảm nhận của bạn về cơ thể mình cũng có thể tác động tới khả năng chăm sóc sức khỏe trái tim. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Obesity, những phụ nữ thừa cân thường áp những hình mẫu tiêu cực về béo phì lên chính họ và do đó, có nguy cơ cao hơn bị hội chứng trao đổi chất so với những người có cái nhìn tích cực hơn về bản thân.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, khiến người khác xấu hổ, để thúc đẩy họ sống lành mạnh hơn đơn giản là không đem lại hiệu quả gì. Theo các nhà nghiên cứu, nó thậm chí làm tổn thương nạn nhân cả về thể chất, chứ không chỉ cảm xúc. Thay vào đó, hãy xây dựng sự tự tin và kiên trì hành động, hướng tới những mục tiêu vừa sức.

7. Stress


Hạch hạnh nhân – vùng não gây ra các tình huống áp lực - hoạt động mạnh có liên quan tới nguy cơ mức bệnh tim và bị đột quỵ cao hơn. Đây là kết quả nghiên cứu đăng tải trên tờ The Lancet tháng 12/2016. Các nhà nghiên cứu tin rằng, khi được kích hoạt, hạch hạnh nhân đồng thời khởi phát phản ứng viêm trong động mạch.

Đã từ lâu, giới chuyên gia nghi ngờ stress có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Tiến sĩ Bauman lý giải: "Chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp. Nhưng chúng tôi thực sự biết rằng, stress mạn tính làm tăng giải phóng epinephrine hay adrenaline trong hệ thống cơ thể và chúng tôi biết, nó có thể dẫn tới tăng huyết áp".

8. Xem tivi quá nhiều


Không gây hại gì nếu thi thoảng bạn "cày" 1-2 bộ phim truyền hình yêu thích. Nhưng nếu việc ngồi hàng giờ liên tục để xem tivi trở thành thói quen, bạn đã tự gây nguy hiểm cho trái tim của mình. Hiệp hội Tim mạch Mỹ coi khoảng thời gian ngồi một chỗ, ít vận động là yếu tố nguy cơ độc lập gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Tiến sĩ Casale giải thích: "Ít vận động nhìn chung không tốt cho bạn. Nó đặt bạn trước nguy cơ bị cục máu đông". Ngoài ra, nếu bạn xem tivi quá nhiều, bạn có thể sẽ kết hợp ăn đồ ăn vặt hoặc uống quá nhiều rượu. Thêm những nguy cơ này vào các mối bận tâm hiện tại như di truyền hay béo phì, bạn đang gây hại cho trái tim"

Bệnh tim lối sống nghiêm trọng nhồi máu cơ tim sức khoẻ tim mạch đột quỵ
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.